2. Zimbabwe: tháng 11/2008
 |
Tờ tiền mệnh giá 100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ đủ mua 3 quả trứng gà. |
Tháng lạm phát cao nhất: 79.600.000.000%
Giá tăng gấp đôi sau mỗi: 24,7 tiếng
Ví dụ về lần lạm phát phi mã gần đây nhất trên thế giới chính là tại Zimbabwe và đỉnh điểm là vào tháng 11/2008 khi lạm phát ở mức 79 tỷ phần trăm mỗi tháng. Dù chính phủ Zimbabwe đã ngừng công bố các số liệu thống kê chính thức về lạm phát trong những tháng tồi tệ nhất, nhưng các báo cáo đã sử dụng lý thuyết kinh tế chuẩn (sức mua ngang giá) để tính toán ra con số này.
Giá cả tăng gấp đôi chỉ sau 24 giờ. Vài ngày sau khi phát hành tờ tiền mệnh giá 100 triệu, ngân hàng trung ương phát hành tiền mệnh giá 200 triệu và giới hạn số tiền rút ra khỏi ngân hàng ở mức 500.000 tương đương 0,25 USD. Khi tờ 100 triệu được sử dụng, giá cả bắt đầu tăng chóng mặt; các báo cáo ghi lại rằng 1 chiếc bánh mì tăng từ 2 triệu lên 35 triệu chỉ sau 1 đêm. Có thời điểm, chính phủ còn tuyên bố lạm phát là bất hợp pháp và bắt tất cả giám đốc của những công ty nào dám tăng giá sản phẩm.
Tình hình tồi tệ đến mức nhiều cửa hàng đã phải từ chối nhận đồng nội tệ và coi đồng USD hay đồng rand của Nam Phi là đơn vị tiền tệ không chính thức. Lạm phát kết thúc khi ngân hàng trung ương Zimbabwe phải tái định giá đồng tiền theo đồng USD. Sàn chứng khoán cũng bị buộc phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ.
Khi Zimbabwe giành được độc lập vào năm 1980, chính phủ nước này đã chấp nhận sử dụng đồng tiền mới với tỷ giá ban đầu so với đồng USD là 1,25 USD. Tuy nhiên, chính sự quản lý yếu kém của chính phủ Zimbabwe về sau đã gây ra cuộc lạm phát phi mã ngoài tầm kiểm soát này.
Lạm phát bắt đầu vào đầu thập niên 1990 khi tổng thống Robert Mugabe khởi động chương trình phân phối lại đất đai lấy từ nông dân gốc Âu để chia cho nông dân Zimbabwe. Việc này làm sản lượng nông nghiệp đột ngột giảm mạnh và giá cả tăng là điều tất yếu.
Đầu thế kỷ 21, Zimbabwe bước vào lạm phát phi mã và đến năm 2006, nước này đã in 21 nghìn tỷ đôla Zimbabwe để trả cho IMF. Cùng năm đó, Zimbabwe lại phải in thêm 60 nghìn tỷ đôla Zimbabwe để trả lương cho binh lính, cảnh sát và quan chức nhà nước. Năm 2007, nước này đã thiếu hụt trầm trọng nguồn lương thực thiết yếu, nhiên liệu và các thiết bị y tế. IMF ước tính lạm phát hằng tháng của Zimbabwe đã vượt mức 115 nghìn phần trăm vào cuối năm và chính phủ Zimbabwe đã phải dừng trả lương 6 tháng cho người lao động.
Tháng 4/2008, 50 triệu đôla Zimbabwe đã tương đương 1,20USD, trong khi đó, ngân hàng trung ương nước này ước tính nền kinh tế đã co lại 6% so với năm ngoái. Tháng 7/2008, tờ Los Anelges Times đưa tin chính phủ Zimbabwe đã hết sạch giấy để in tiền khi các nhà cung cấp giấy ở châu Âu tạm ngừng cấp cho Zimbabwe do lo ngại các vấn đề về nhân đạo.
1. Hungary: năm 1946
Tháng lạm phát cao nhất: 13.600.000.000.000%
Giá tăng gấp đôi sau mỗi: 15,6 tiếng
 |
Siêu lạm phát tại Hungary khiến họ phải in tờ bạc với mệnh giá có tới 20 số 0. |
Trường hợp lạm phát phi mã tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới từng được ghi lại là ở Hungary vào nửa đầu năm 1946. Giữa năm đó, tờ tiền mệnh giá lớn nhất ở đây là 100.000.000.000.000.000.000 pengo. Con số này năm 1944 chỉ là 1.000 pengo.
Tình hình trở nên trầm trọng đến nỗi chính phủ phải sử dụng một đơn vị tiền tệ đặc biệt được thiết kế cho trả thuế và bưu chính. Loại tiền này được điều chỉnh hằng ngày qua radio. Đồng pengo đã bị thay thế sau đó trong một lần tái định giá tiền. Người ta ước tính tại thời điểm đồng pengo được thay vào tháng 8/1946, tổng giá trị của tất cả các tờ tiền Hungary đang được lưu thông ở nước này có giá trị chỉ bằng 1/1000 USD.
Đồng pengo được đưa vào lưu thông sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc để bình ổn nền kinh tế và khắc phục tình trạng lạm phát. Ngành nông nghiệp của Hungary đã bị thiệt hại nặng nề sau cuộc Đại suy thoái, và các khoản nợ khổng lồ đã buộc ngân hàng trung ương nước này phải phá giá đồng tiền của mình để bù lại chi phí bằng cách nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, nền kinh tế của Hungary đang rất yếu kém và ngân hàng trung ương gần như thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của chính phủ, in tiền theo nhu cầu của ngân sách mà không có bất kì hạn chế nào.
Lạm phát khủng khiếp đến mức tiền xu gần như biến mất khỏi thị trường, ban đầu là xu bạc, rồi đến đồng và cả ni-ken nữa, vì khi ấy giá trị của kim loại làm ra chúng còn đáng giá hơn cả mệnh giá của chúng nữa. Khi chiến tranh kết thúc, chính phủ nắm toàn quyền kiểm soát việc in tiền mà không có bất kì tài sản đảm bảo nào. Khi quân đội Xô Viết đến đây, họ cũng ngay lập tức phát hành tiền riêng của mình nên nhu cầu cho đồng pengo đã giảm hẳn.
Cuối cùng, chính phủ Hungary đành phải cho ra đời đơn vị tiền tệ mới – đồng forint – có thể quy đổi trực tiếp ra vàng và ra các ngoại tệ khác. Ngày nay, đồng forint vẫn đang được lưu thông, nhưng có lẽ nó sẽ được thay bằng đồng Euro trong vài năm tới.
Hà Thu (theo CNBC)
|